Tiếng việt
English

Không tính vào chi phí thì tính vào đâu?

Minh Tâm
Chủ Nhật,  13/9/2015, 17:37 (GMT+7)
Không tính vào chi phí thì tính vào đâu? 

Không tính vào chi phí thì tính vào đâu? 

Không tính vào chi phí thì tính vào đâu? 

Không tính vào chi phí thì tính vào đâu? 

Không tính vào chi phí thì tính vào đâu?
Không tính vào chi phí thì tính vào đâu?
Doanh nghiệp có số vốn vay cao hơn nhiều lần so với vốn chủ sở hữu thì lãi vay có thể không được tính vào chi phí hợp lý được trừ khi tính thuế thu nhập. Ảnh: làm thủ tục thuế tại Cục Thuế TPHCM. Ảnh: Minh Tâm.

(TBKTSG) - Trước thông tin Bộ Tài chính đề xuất quy định doanh nghiệp nào vay vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu thì chi phí lãi vay sẽ không được xem là chi phí hợp lý, hợp lệ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, các doanh nghiệp cho rằng không chỉ có mình bị tác động mà cả ngân hàng, người lao động cũng bị.

Vốn chủ sở hữu không hẳn thể hiện năng lực tài chính

Trao đổi với TBKTSG, ông Trần Văn Đức, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex), cho biết đã nghe thông tin này. Nếu áp dụng như đề xuất của Bộ Tài chính, theo ông, thì rất vô lý.

Ông Đức cho biết, ở Betrimex, vào những lúc cao điểm như đầu tư mở rộng hoặc chính vụ sản xuất, mua nguyên liệu đầu vào, doanh nghiệp đều phải đi vay ngân hàng. “Trong tám tháng đầu năm, tiền lãi vay ngân hàng của chúng tôi đã là 20 tỉ đồng. Nếu không cho tính vào chi phí hợp lý thì tính vào đâu?”, ông Đức đặt câu hỏi.

Cũng theo ông Đức, hiện nay, hoạt động của rất nhiều doanh nghiệp, không riêng gì Betrimex, gắn chặt với ngân hàng. Nhiều doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu thấp nhưng có ý tưởng kinh doanh tốt, khả thi nên ngân hàng cho vay.

Bà Phạm Thị Mai Loan, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu ngũ cốc (Grainco), phản đối: “Đề xuất này vô lý hết sức. Nói như vậy thì đề xuất luôn ngân hàng cho vay không tính lãi hoặc Nhà nước cấp vốn để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đi!”. Bà Loan cho biết, như tại Grainco, vốn chủ sở hữu là 50 tỉ đồng nhưng tài sản cố định được ngân hàng định giá là 400-500 tỉ đồng với hệ thống kho bãi ở quận 7 (TPHCM) và Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương). Mỗi năm, Grainco vay 800 tỉ đồng (chia làm bốn lần, mỗi lần 200 tỉ đồng) để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Vốn chủ sở hữu không nói lên năng lực tài chính của doanh nghiệp nên cơ quan quản lý không thể lấy đây là yếu tố để đánh giá. Theo bà, “có chăng là tính tỷ lệ vốn vay với tổng doanh thu”.

Ông Nguyễn Việt Anh, kiểm toán viên của một công ty kiểm toán có văn phòng tại Hà Nội, cho biết từ thực tế làm việc, ông thấy 100 doanh nghiệp thì có đến 90 doanh nghiệp phải vay vốn ngân hàng để sản xuất, kinh doanh. Có doanh nghiệp ở lĩnh vực sản xuất, vốn chủ sở hữu chỉ 90 tỉ đồng nhưng vay ngân hàng 700 tỉ đồng và doanh thu hàng năm lên đến 1.000 tỉ đồng. Lại cũng có những doanh nghiệp sản xuất xi măng, gạch men, vốn chủ sở hữu đã rất lớn nhưng số tiền vay ngân hàng cũng gấp 3-4 lần. “Điều đó cho thấy, vốn chủ sở hữu không nói lên tất cả tình hình tài chính và năng lực của doanh nghiệp”, ông Việt Anh đánh giá.

Tác động lớn

Bà Phạm Thi Mai Loan nhìn nhận, đề xuất này của Bộ Tài chính sẽ tác động lớn đến rất nhiều đối tượng, không chỉ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mà còn tới ngân hàng cũng như người lao động. Theo đó, nếu không được tính chi phí lãi vay vào chi phí hợp lý hợp lệ được trừ khi tính thu nhập chịu thuế, doanh nghiệp sẽ phải tìm cách. Cách dễ nhất là thu hẹp hoạt động. Lúc đó, ngân hàng sẽ chịu tác động đầu tiên vì không cho vay được. Kế đó là người lao động vì bị cắt giảm hoặc giảm thu nhập. Cách khác là doanh nghiệp có thể gọi vốn từ bên ngoài thông qua việc phát hành cổ phiếu, niêm yết trên sàn chứng khoán nhưng cách này áp lực và rủi ro không nhỏ.

“Chẳng nói đâu xa, các đối tác của chúng tôi là các nhà máy đường. Vào vụ sản xuất, họ làm gì có sẵn tiền để mua mía cho dân nếu không đi vay ngân hàng? Đi vay mà không được tính vào chi phí thì giá bán sẽ cao. Như vậy lại không cạnh tranh được với đường lậu. Sản xuất ngưng trệ. Lúc đó thì công nhân nhà máy với người trồng mía chịu thiệt. Thử hỏi Nhà nước có tiền để lo an sinh xã hội không?”, bà Loan nói.

Ông Nguyễn Việt Anh nhận định, nếu đề xuất của Bộ Tài chính được thông qua, ảnh hưởng trước mắt chắc chắn là các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa. Bởi lẽ, lãi vay thường được đưa vào kết quả sản xuất kinh doanh trong năm. Nếu không được tính vào chi phí hợp lý, hợp lệ, chắc chắn tiền thuế nộp ngân sách sẽ tăng lên. Trong khi đó, doanh nghiệp bất động sản, đối tượng mà ông Anh cho rằng hiện đang vay vốn ngân hàng bằng những dự án “vẽ”, và gây tác động xấu với nền kinh tế lại không bị ảnh hưởng nhiều vì chi phí lãi vay được “vốn hóa” vào chi phí đầu tư của dự án (là các công trình được xây dựng trong nhiều năm).

Vì vậy, ông Nguyễn Việt Anh cho rằng, cơ quan quản lý cần xác định chính xác đối tượng cần khống chế mức vay thông qua chi phí lãi vay. Trong đó, theo ông Anh, doanh nghiệp sản xuất, nhóm đối tượng đóng góp lớn cho nền kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động, cần được tạo điều kiện để có cơ hội phát triển.

Ông Trần Văn Đức nêu ý kiến, việc khống chế chi phí lãi vay không thể áp dụng một cách đại trà với tất cả các doanh nghiệp mà cần phải phân loại lĩnh vực, quy mô để có chính sách phù hợp. Hoặc ít nhất cũng phải có định mức căn bản để doanh nghiệp theo đó tính toán, áp dụng. “Theo tôi, tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu phải từ 10:1 thì mới khống chế chi phí lãi vay”, ông Đức đề xuất.

Ông Vũ Tiến Thập, Giám đốc Công ty cổ phần Nội thất D’Furni, cho rằng việc quy định tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu có thể được áp dụng để giải quyết tình trạng doanh nghiệp nước ngoài chuyển giá hay tình trạng sở hữu chéo vốn đang rất nhức nhối hiện nay. Tuy nhiên, cần phân loại đối tượng doanh nghiệp, lĩnh vực hoạt động để áp dụng chính sách. “Với những doanh nghiệp ở lĩnh vực công nghiệp nặng, cần nhiều vốn để đầu tư dây chuyền, trang thiết bị sản xuất hoặc những doanh nghiệp làm dịch vụ như hàng không, đầu tư hàng tỉ đô la để mua máy bay thì không thể khống chế tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu”, ông Thập nói.

Cơ quan quản lý cần xác định chính xác đối tượng cần khống chế mức vay thông qua khống chế chi phí lãi vay.

Hiện tại chưa nên áp dụng quy định

Việc doanh nghiệp sử dụng vốn vay vượt quá 4-5 lần vốn chủ sở hữu là tương đối phổ biến, đặc biệt trong một số ngành nghề đặc thù hoặc cần vốn lớn như xây dựng, năng lượng, bất động sản, thương mại... Tỷ lệ nợ/vốn cao, theo quan điểm của tôi, thực ra chỉ là một dấu hiệu của rủi ro tài chính của doanh nghiệp, chứ không hoàn toàn cho thấy là doanh nghiệp có rủi ro cao. Trên thực tế rủi ro của doanh nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, ví dụ như ngành nghề kinh doanh, phương án kinh doanh, ban lãnh đạo...

Trên thế giới quy định về việc không cho trừ chi phí tính thuế là để hạn chế rủi ro tài chính từ những doanh nghiệp vốn mỏng. Đương nhiên khi quy định, ngoài việc hạn chế những doanh nghiệp không có tiềm lực và có nhiều rủi ro tiềm ẩn thì đồng thời cũng gây khó khăn cho những doanh nghiệp có thực lực và hoạt động kinh doanh tốt.

Tỷ lệ nợ/vốn là 5/1 hoặc 4/1 chắc chắn sẽ có tác động lớn đến tất cả các doanh nghiệp trong xã hội, kể cả các doanh nghiệp làm ăn tốt. Quy định này có thể khiến các doanh nghiệp có khả năng và đang xem xét mở rộng sản xuất, cũng như các nhà đầu tư nước ngoài phản ứng và xem xét lại các quyết định đầu tư ở Việt Nam vì chi phí thuế sẽ đội lên rất cao, nhất là trong những ngành nghề cần nhiều vốn như trên.

Theo tôi, quy định này, về lâu dài, là nên áp dụng, nhưng tại thời điểm hiện tại thì chưa phù hợp. Trong thời điểm kinh tế chưa thực sự hồi phục, Chính phủ đang khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư mới và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, quy định này sẽ là ảnh hưởng không nhỏ đến các nỗ lực kêu gọi và thu hút đầu tư. Nên chăng thay vì việc áp dụng ngay, có thể giãn thời gian áp dụng vào năm 2019 hoặc năm 2020, cho các doanh nghiệp một khoảng thời gian cần thiết để có phương án kinh doanh và đầu tư phù hợp nhằm đáp ứng được yêu cầu. 

(Ông Phan Vũ Hoàng, Phó tổng giám đốc dịch vụ tư vấn thuế, Deloitte Việt Nam)

 

Phản ứng từ nhiều phía

Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế dự kiến sẽ được trình ra Quốc hội xem xét thông qua vào tháng 10 tới. Ngay lập tức, nhiều điểm trong dự thảo này đã bị doanh nghiệp phản ứng.

Chuyên gia về thuế Phạm Ngọc Long phân tích, ông không phủ nhận rằng trong thực tế có nhiều doanh nghiệp có khoản vay vốn sản xuất kinh doanh vượt gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu dẫn đến nguy cơ mất an toàn tài chính của doanh nghiệp và nhiều doanh nghiệp khác do ảnh hưởng bởi chi phí lãi vay mà dẫn tới bị lỗ. Tuy nhiên, ông Long cho rằng không nên quy định tỷ lệ vay này bởi lý do sau:

- Thứ nhất, doanh nghiệp/tổ chức tài chính cho một doanh nghiệp vay thì phải đánh giá khả năng thu hồi vốn và lãi vay. Nếu dự án khả thi thì doanh nghiệp/tổ chức tài chính sẵn sàng cho vay và chịu rủi ro về việc mất vốn này. Đây là quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp.

- Giả sử khoản chi phí lãi vay có làm cho một doanh nghiệp phát sinh lỗ, tuy nhiên, doanh nghiệp cho vay lại có thu nhập từ lãi cho vay tiền và khoản thu nhập này nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Như vậy, không thể cho rằng vì lãi vay mà làm thất thu ngân sách.

- Việc Bộ Tài chính cho rằng có doanh nghiệp lỗ triền miên trong khi doanh thu luôn tăng trưởng qua các năm và doanh nghiệp không ngừng mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh mà nguyên nhân dẫn đến tình trạng lỗ của doanh nghiệp một phần do chi phí tài chính (chi phí trả lãi tiền vay vốn cho công ty mẹ ở nước ngoài) quá lớn. Tôi cho rằng lý do này không hợp lý vì đây có thể là vấn đề chuyển giá. Nếu công ty mẹ cho công ty con vay tiền và lãi vay này được tính theo giá thị trường (doanh nghiệp có tài liệu chứng minh) thì không thể nói doanh nghiệp lỗ do chuyển giá.

Số chi phí vay có thể lớn hay nhỏ thì phải căn cứ theo quy mô của doanh nghiệp, quy mô của khoản vay và dự án đầu tư tương ứng, không nên vì việc có công ty có chi phí trả lãi tiền vay vốn lên đến vài ngàn tỉ đồng/năm mà đưa ra quy định làm khó cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Long cho rằng, trong trường hợp ban soạn thảo vẫn giữ quy định thì tỷ lệ 5:1 hay 4:1 cần quy định rõ cho ngành nghề. Thậm chí, tỷ lệ 5:1 không phù hợp cho một số loại hình doanh nghiệp sản xuất, ví dụ khai thác mỏ hoặc sản xuất xi măng cần nhiều vốn để đầu tư tài sản cố định phục vụ một giai đoạn đầu tư dài hạn. Thêm vào đó, dự thảo luật cần làm rõ công thức “vốn chủ sở hữu” là từ chỉ tiêu nào và vào thời điểm nào. Lý do là không phải loại hình doanh nghiệp nào cũng phải lập báo cáo tài chính hàng tháng, hàng quí để lấy được chỉ tiêu này trên bảng cân đối kế toán.

Công ty Luật Ernst & Young Vietnam đề nghị lùi thời điểm áp dụng đến 1-1-2018 để tránh xáo trộn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp do quy định này rất mới. Công ty này khuyến nghị thêm, Bộ Tài chính cần quy định cụ thể khoản vay là gì và chỉ nên giới hạn trong các khoản vay dài hạn theo hợp đồng.

Nhóm các nhà công nghiệp quốc tế là hội viên của Hiệp hội VBA đồng thời là hội viên của tiểu ban Rượu vang và Rượu mạnh thuộc Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam đưa ra quan điểm mạnh mẽ hơn về dự luật.

Trong một kiến nghị gửi tới Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hội viên quốc tế khẳng định họ “vô cùng quan ngại và bất ngờ” về đề xuất trong dự luật.

Một trong các lý do là dự án Luật Sửa đổi bổ sung một số điều về các luật thuế  dự kiến sẽ được trình Quốc hội khóa 13 vào kỳ họp tháng 10 tới, tuy nhiên dự án này không nằm trong Chương trình xây dựng luật, Pháp lệnh năm 2015 sửa đổi ban hành kèm theo Nghị quyết 89/2015/QH13 ngày 9-6-2015.

Nhóm này kiến nghị việc sửa đổi luật cần tuân thủ đúng quy trình và thủ tục quy định trong Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Dự thảo cần được công bố rộng rãi để lấy ý kiến các bộ ngành, các bên liên quan, đặc biệt là các bên chịu tác động trực tiếp từ việc thay đổi về luật và phải có đủ thời gian cần thiết để doanh nghiệp có thể chủ động trong việc điều chỉnh hoạt động kinh doanh của mình cho phù hợp với quy định mới.

Tư Hoàng


Thời báo Kinh tế Sài Gòn OnlineOnline

 

 

Tags

Hãy share để mọi người cùng biết:

Không tính vào chi phí thì tính vào đâu? Không tính vào chi phí thì tính vào đâu?

Không tính vào chi phí thì tính vào đâu?

10/ 10 - 3324 phiếu bầu

Back      Print In      Đã xem : 1382
Hình ảnh thật trụ sở

       

Hỗ trợ nhanh

Ms. Thủy

0916 129 130

Đường Đến Đông Dương

© Copyright by  www.dongduong.net, all rights reserved.

Thiết kế website www.webso.vn
Back to top
Sản phẩm đã được thêm vào giỏ hàng
Mua thêm sản phẩm khác
Xem giỏ hàng