Tiếng việt
English

Giải thể Doanh nghiệp: Cần một khung pháp lý hoàn chỉnh

GIẢI THỂ DOANH NGHIỆP: CẦN MỘT KHUNG PHÁP LÝ HOÀN CHỈNH

Nguyễn Hoàng Hải (1) - Lê Thị Thuỷ (2)

 

Việc doanh nghiệp (DN) ra đời và gia nhập thị trường của một ngành hàng hay một lĩnh vực nào đó khi thấy thị trường tiềm năng. Song song với đó sẽ có những DN rút lui khỏi thị trường khi lĩnh vực kinh doanh không còn hấp dẫn hoặc không đủ sức và lực để cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy với hàng ngàn DN ra đời hàng năm thì cũng có chừng ấy DN rút ra khỏi thị trường bằng cách giải thể hoặc phá sản, trong đó hình thức giải thể là phổ biến nhất. Giải thể là quá trình “chết” đi của DN theo ý chí của chủ sở hữu, vì nhận thấy DN không còn cần thiết phải tồn tại nên chủ sở hữu quyết định giải thể DN. Lý do giải thể DN thì nhiều vô kể: hoạt động kinh doanh không hiệu quả, tranh chấp nội bộ, nội tại của DN có nhiều vấn đề trong quá trình hoạt động, người quản lý DN không tuân thủ pháp luật dẫn đến DN có quá nhiều vi phạm trong quá trình hoạt động,… nếu để DN tồn tại thì phải tốn chi phí “nuôi” DN và kèm theo là các vấn đề khác có liên quan cần phải giải quyết.

 

Luật DN năm 2015 dành ra một chương với 28 điều và có riêng Nghị định 78 (3) để hướng dẫn việc thành lập DN nhưng chỉ có 5 điều (từ Điều 201 đến Điều 206 luật DN) và Điều 59 trong Nghị định 78 quy định về giải thể DN, trong khi đó “đầu vào” của DN tương đương với “đầu ra” đây là sự bất hợp lý trong thiết chế luật DN.

Giải thể Doanh nghiệp: Cần một khung pháp lý hoàn chỉnh

 

Giải thể doanh nghiệp: Vướng ở thủ tục thuế

 

Theo thống kê trong 2 tháng đầu năm 2019 có 13.692 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, 3.156 DN đã giải thể, 13.519 DN tạm ngừng kinh doanh, trong khi số lượng DN thành lập mới chỉ là 15.979 DN (4). Ảnh hưởng dịch Covid 2019 khiến 34.900 DN đóng cửa, giải thể, phá sản (5). Đây chỉ là phần nổi của tảng băng vì trên thực tế có rất nhiều DN không còn hoạt động nhưng không chịu làm thủ tục giải thể nộp cho cơ quan đăng ký kinh doanh (ĐKKD), nghĩa là trên thực tế rất nhiều DN đã “chết lâm sàng” mà người quản lý và chủ sở hữu chưa làm thủ tục giải thể vì nhiều lý do khác nhau.

Về phía DN tại sao chủ DN không làm hồ sơ giải thể? Vì các quy định của pháp luật về giải thể rất ít, khá sơ sài và vướng nhiều khâu nhất là về phần thuế, đây là trở ngại lớn nhất trong tiến trình giải thể DN. Theo quy định tại Điều 202 luật DN thì sau khi DN thông qua quyết định giải thể thì trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày thông qua quyết định giải thể phải được gửi đến cơ quan ĐKKD, cơ quan thuế, người lao động trong DN, công bố quyết định giải thể trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN và phải được niêm yết công khai tại trụ sở chính của DN. Cơ quan ĐKKD phải thông báo tình trạng DN đang làm thủ tục giải thể trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN ngay sau khi nhận được quyết định giải thể của DN. Khi đã thanh toán hết các khoản nợ và chi phí giải thể DN, sau thời hạn 180 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải thể mà cơ quan ĐKKD không nhận được ý kiến về việc giải thể từ DN hoặc phản đối của bên có liên quan bằng văn bản thì cơ quan ĐKKD cập nhật tình trạng pháp lý của DN trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN, lúc này DN đã được giải thể. Đây là quy định trên lý thuyết, còn trong thực tế thì hoàn toàn ngược lại, DN muốn giải thể thì phải nộp hồ sơ giải thể cho cơ quan thuế trước, cơ quan thuế sẽ kiểm tra tình trạng thuế của DN (quyết toán giải thể), đây là khâu nan giải nhất và là trở ngại lớn nhất làm cho quá trình giải thể DN bị đóng băng. DN trước khi nộp hồ sơ giải thể tại cơ quan ĐKKD theo hướng dẫn tại Luật Doanh nghiệp, Nghị định 78, Thông tư số 20 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì phải gửi hồ sơ cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Cũng theo Thông tư 95/2016 của Bộ Tài Chính thì trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày DN nộp hồ sơ giải thể cho cơ quan thuế thì cơ quan thuế phải kiểm tra tình trạng thuế của DN và nếu DN không nợ thuế thì cơ quan thuế sẽ ban hành thông báo chấm dứt hiệu lực mã số thuế. Sau khi có thông báo chấm dứt hiệu lực mã số thuế thì DN mới nộp hồ sơ cho cơ quan ĐKKD và nếu DN không còn các nghĩa vụ nào khác với bên thứ ba thì cơ quan ĐKKD sẽ thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN, lúc này DN mới chính thức được giải thể.

 

Vướng mắc lớn nhất trong tiến trình giải thể làm cho DN không giải thể được chủ yếu nằm ở hồ sơ của cơ quan thuế, nghĩa là trước khi giải thể cơ quan thuế phải soát xét nghĩa vụ thuế của DN đã “hoàn thành” thì mới được giải thể, còn các nghĩa vụ khác với chủ nợ hay bên thứ ba đôi khi DN “liệu cơm gắp mắm” được. Không biết do thời gian 5 ngày có quá ngắn cho cơ quan thuế hay không mà hiện nay hồ sơ giải thể DN gần như “bất động’ tại cơ quan thuế. Rất ít hồ sơ được giải quyết ở khâu này vì nhiều lý do như cơ quan thuế không làm kịp, không muốn làm, DN không chịu “chi” hay còn lý do nào khác mà hàng triệu triệu hồ sơ giải thể vẫn còn nằm ở cơ quan thuế không được giải quyết. Điều này sẽ đẩy DN rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” hoạt động không được mà giải thể cũng không xong. Thực tế không phải hồ sơ giải thể nào cũng phức tạp đến mức làm hoài không xong, mà có nhiều hồ sơ rất đơn giản, phát sinh ít, DN không nợ cũng không vi phạm gì về thuế nhưng cơ quan thuế cứ “ngâm” hoài làm cho DN khá mệt mỏi. Mà thủ tục bên thuế chưa xong thì còn lâu mới giải thể được.

 

Trong khi đó những DN còn nợ thuế thì không thể nộp hồ sơ giải thể được, vì theo Điều 41 Thông tư 156 (6) quy định Chủ DN tư nhân, hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn, hội đồng quản trị công ty cổ phần hoặc tổ chức thanh lý DN chịu trách nhiệm về việc hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của DN trong trường hợp giải thể. Như vậy khi DN còn nợ thuế mà giải thể thì trách nhiệm nộp số thuế còn nợ này sẽ chuyển từ DN sang cho chủ sở hữu hoặc những người quản lý DN. Vì vậy hầu hết các DN nợ thuế thì chủ sở hữu sẽ bỏ mặc DN chứ không làm thủ tục giải thể. Tình trạng DN không giải thể được này ngày càng nhiều vì thủ tục phức tạp nên DN bị bỏ không làm thủ tục làm cho các nghĩa vụ và các chế tài đối với DN sẽ tăng lên theo thời gian và chủ sở hữu cũng không dễ dàng gì rũ bỏ trách nhiệm pháp lý khi DN chưa hoàn thành thủ tục thuế.

Giải thể Doanh nghiệp: Cần một khung pháp lý hoàn chỉnhGiải thể Doanh nghiệp: Cần một khung pháp lý hoàn chỉnh

 

Hoàn thiện pháp lý về giải thể DN

 

Quốc hội vừa mới thông qua luật DN sửa đổi, có lẽ sắp tới sẽ có các văn bản hướng dẫn luật DN mới này, để tương quan với việc thành lập thì rất cần có hướng dẫn cụ thể, đầy đủ và tương xứng với khung pháp lý hoàn chỉnh tạo hành lang cho việc giải thể DN thuận lợi hơn. Chính phủ đã dành riêng nghị định nhằm hướng dẫn việc thành lập DN một cách nhanh chóng và thuận lợi cho người dân nhằm xoá bỏ các rào cản không cần thiết (giấy phép con) giúp DN gia nhập thị trường một cách dễ dàng thì bên cạnh đó cũng cần có một khung pháp lý hoàn chỉnh dưới dạng nghị định để hướng dẫn trình tự thủ tục giải thể DN nhằm giúp DN không có nhu cầu tồn tại nữa được giải thể và rút lui khỏi thị trường một cách nhanh chóng và êm thắm nhất.

 

Các quy định về giải thể DN ở Thông tư 156, Thông tư 95, Thông tư 20 (7) được quy định khá rời rạc và không thống nhất thậm chí mâu thuẫn nhau nên cần được gom lại và hoàn thiện rõ những quy định tại nghị định hướng dẫn về giải thể DN để thống nhất áp dụng. Các quy định này phải được ban hành bởi Chính phủ vì có tính “liên Bộ” nên việc quy định ở nghị định sẽ không gây ra tình trạng Bộ ngành tự ban hành các văn bản nhằm đẩy việc cho nhau và hơn hết là đảm bảo tính thống nhất và chỉ đạo điều hành xuyên suốt.

 

Kiến nghị

 

Phải xây dựng các quy định chế tài và thời gian cụ thể để cơ quan thuế giải quyết hồ sơ giải thể DN. Trong quá trình kiểm tra tình trạng thuế trước khi chấm dứt hiệu lực mã số thuế thì cơ quan thuế phải tạo mọi điều kiện về mặt thủ tục sao cho thuận lợi nhất để DN hoàn tất hồ sơ giải thể tại cơ quan thuế trước khi nộp hồ sơ trả giấy chứng nhận đăng ký DN cho cơ quan ĐKKD.

Trong khi hồ sơ thành lập DN thì đã có quy trình liên thông giữa cơ quan ĐKKD và cơ quan thuế nhưng đối với việc giải thể thì chưa có sự liên thông. Vì vậy cần quy định trách nhiệm giữa cơ quan thuế và cơ quan ĐKKD trong quá trình giải quyết hồ sơ giải thể DN, chẳng hạn trong thời hạn bao nhiêu ngày kể từ ngày DN nộp đầy đủ hồ sơ theo quy định thì cơ quan thuế phải kiểm tra tình trạng thuế của DN, nếu hết thời hạn này mà cơ quan thuế không xác nhận tình trạng thuế thì DN đương nhiên được cơ quan ĐKKD thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN và DN chính thức được giải thể, tránh trường hợp DN phải chờ đợi cơ quan thuế như hiện nay.

 

Rà soát các quy định hiện nay trong luật Quản lý thuế để xây dựng các quy định cho phù hợp với từng mô hình DN. Luật Quản lý thuế năm 2019 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/07/2020 áp dụng phương thức quản lý chung cho toàn bộ các mô hình DN là không phù hợp bởi điều này sẽ gây nên tình trạng “cá mè một lứa”. Nên chăng cần có hướng dẫn cụ thể các phương thức quản lý thuế cho từng mô hình DN, đặc biệt với DN nhỏ và vừa cũng như DN siêu nhỏ. Xây dựng quy trình, thủ tục giải quyết hồ sơ cho những DN này thật đơn giản vì bản chất hoạt động của những DN này phát sinh không nhiều. Đây là tiến trình bãi bỏ rào cản, thủ tục rườm rà không cần thiết và đã bị kêu ca khá nhiều trong thời gian qua. Điều này cũng giúp cho DN khởi nghiệp còn non trẻ dễ dàng gia nhập và rút lui khỏi thị trường và cũng là cách thức mà Nhà nước hỗ trợ DN khởi nghiệp theo chủ trương trong luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa.

 

Nghị quyết 94/2019/QH14 ban hành về việc khoanh và xoá nợ thuế cho các khoản thuế khó thu, tuy nhiên cần mở rộng áp dụng cho những DN không hoạt động lâu năm mà không giải thể được, tạo điều kiện cho chủ DN thoát khỏi tình trạng pháp lý lơ lững như hiện nay, tránh tình trạng có quá nhiều DN đã “chết” mà không được “chôn” và qua đó cơ quan thuế cũng giảm được áp lực công việc khi phải theo dõi và quản lý những DN này.

 




(1) Luật sư điều hành Công ty luật Credent

(2) Giám đốc Công ty tư vấn và kế toán Đông Dương

(3) Nghị định 78/2015/NĐ-CP: Hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp

(4) Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2019

(6) Thông tư 156/2013/TT-BTC: Hướng dẫn luật Quản lý thuế;

(7) Thông tư 95/2018: Hướng dẫn về đăng ký thuế; Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT: Hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp

 

Tags

Hãy share để mọi người cùng biết:

Giải thể Doanh nghiệp: Cần một khung pháp lý hoàn chỉnh Giải thể Doanh nghiệp: Cần một khung pháp lý hoàn chỉnh

Giải thể Doanh nghiệp: Cần một khung pháp lý hoàn chỉnh

10/ 10 - 3339 phiếu bầu

Back      Print In      Đã xem : 2003
Hình ảnh thật trụ sở

       

Hỗ trợ nhanh

Ms. Thủy

0916 129 130

Đường Đến Đông Dương

© Copyright by  www.dongduong.net, all rights reserved.

Thiết kế website www.webso.vn
Back to top
Sản phẩm đã được thêm vào giỏ hàng
Mua thêm sản phẩm khác
Xem giỏ hàng