Tiếng việt
English

Công an lập lờ để né bồi thường oan

Thay vì xác định bị can bị oan, CQĐT lại đình chỉ với hai lý do “tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội” và “không đủ yếu tố cấu thành tội” trong quyết định để né trách nhiệm.

Chiều 22-2, ông Bùi Nguyên Tùng (ngụ 133/8 đường số 8, phường 11, quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết ông đã nhận được quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với mình. Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng quyết định đình chỉ điều tra này thể hiện cơ quan tố tụng cố tình lập lờ để né bồi thường oan đối với ông.

Bị bắt khi mang rượu ngoại trên đường

Ông Tùng là nhân vật mà Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh trong bài “Khó xử vì không chứng minh được tội phạm”. Tòa đã ba lần trả hồ sơ yêu cầu VKS làm rõ hành vi của ông Tùng có phải là sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm hay không nhưng VKS không đáp ứng được...

Theo hồ sơ, ngày 4-3-2014, ông Tùng đang đi trên đường thì bị công an bắt và lập biên bản phạm tội quả tang với lý do “vận chuyển ba chai rượu ngoại mà không xuất trình được hóa đơn, chứng từ”. Đưa ông Tùng về khám nhà, công an thu thêm hai chai rượu ngoại khác và một số vật như vỏ, nắp chai rượu… Kết quả giám định cho thấy có chai có thành phần hóa học giống rượu thật, số còn lại thì thành phần hóa học không giống.

Sau đó, ông Tùng bị quy kết có hành vi sản xuất rượu giả với tang vật là năm chai rượu ngoại các loại. Ông bị khởi tố, truy tố về tội sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm theo khoản 1 Điều 157 BLHS (khung hình phạt từ hai năm tù đến bảy năm tù).

Tháng 5-2015, sau hơn 14 tháng bị tạm giam, ông Tùng được cho tại ngoại. Suốt quá trình bị giam và khi được tại ngoại, ông liên tục khiếu nại kết luận điều tra và cáo trạng. Ông khẳng định mình không sản xuất rượu giả như cáo buộc của CQĐT...

 

Đình chỉ kiểu hàng hai

Quá trình nghiên cứu, tòa đã trả hồ sơ để làm rõ hành vi của ông Tùng có phải là sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm hay không. VKSND quận Gò Vấp không làm rõ được nhưng vẫn chuyển hồ sơ truy tố sang tòa.

Tại phiên tòa duy nhất được mở vào ngày 30-3-2015, ông Tùng trình bày: “Người bán vừa giao rượu cho tôi tại ngã ba gần nhà trước đó 15 phút thì công an ập đến. Các chai rượu còn nguyên vết keo dính do mới lấy ra từ giỏ quà biếu. Nhà người ta được biếu tết dùng không hết nên rao trên mạng bán. Chúng tôi liên lạc bằng điện thoại, có tin nhắn qua lại thể hiện nội dung mua bán, giá tiền cũng như số sêri của từng chai. Trong máy điện thoại của tôi còn lưu số điện thoại nhà, điện thoại cơ quan và điện thoại di động của người bán. Khi bắt giữ tôi, công an đã thu giữ chiếc điện thoại này, vài cái vỏ chai, nắp chai”…

Căn cứ vào kết quả xét hỏi, tòa đã trả hồ sơ lần thứ hai để tiếp tục làm rõ hành vi của ông Tùng có phải là sản xuất hàng giả là thực phẩm hay không; làm rõ lời khai của một người làm chứng xem có phải người này chứng kiến bị cáo sản xuất rượu giả hay không, thu hồi chiếc điện thoại mà Tùng khai bị công an thu giữ nhưng trong hồ sơ lại không thể hiện có điện thoại.

Tuy nhiên, lần này VKSND quận Gò Vấp tiếp tục không đáp ứng được các yêu cầu. Tòa tiếp tục trả hồ sơ lần ba… Vụ án rơi vào im lặng, đến 28-1 vừa rồi thì CQĐT đình chỉ điều tra. Quyết định đình chỉ nêu rõ: “Sau khi tiến hành điều tra xác định: Hành vi của bị can Bùi Nguyên Tùng tự ý nửa chừng chấm dứt hành vi phạm tội, không đủ yếu tố cấu thành tội sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm. Cơ sở pháp lý là Điều 19 BLHS, Điều 34 và Điều 164 Bộ luật TTHS”.

 

Vừa có tội vừa không là sao?

Lý do đình chỉ trên đây là một lý do lạ, hầu như chưa có trong tiền lệ tố tụng ở nước ta. Vì vậy, chúng tôi đã liên hệ với CQĐT Công an quận Gò Vấp để tìm hiểu rõ sự tình. Điều tra viên Nguyễn Văn Tâm, đại diện CQĐT Công an quận Gò Vấp cho biết không có sự nhầm lẫn nào, lý do đình chỉ ghi trong quyết định là đúng. “Chúng tôi chưa chứng minh được tội phạm của ông Tùng chứ oan thì không oan. Bắt quả tang khi đang mang theo ba chai rượu giả, khám xét nhà có vỏ chai, hộp chai, dung dịch… là dấu hiệu của việc sản xuất rượu giả” - ông Tâm nói.

Vậy có thể nào một người vừa nửa chừng chấm dứt việc phạm tội lại vừa được xác định không đủ yếu tố cấu thành tội phạm?

Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM), Điều 19 BLHS quy định người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội phải là hành vi tự nguyện, việc chấm dứt phải xảy ra trong quá trình người đó đã bắt tay thực hiện ý định phạm tội nhưng chưa thực hiện được tội phạm đến cùng. Khi đó, người này được miễn trách nhiệm hình sự nhưng không được xin lỗi, bồi thường oan.

“Còn trong vụ án này, ông Tùng bị bắt và lập biên bản phạm tội quả tang với lý do vận chuyển ba chai rượu ngoại mà không xuất trình được hóa đơn, chứng từ. Sau khi bị khởi tố, điều tra và truy tố, ông Tùng không thừa nhận hành vi và tòa cũng trả hồ sơ để làm rõ hành vi của ông có phạm tội hay không. Nếu hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm hoặc xác định hành vi không cấu thành tội phạm thì CQĐT phải đình chỉ theo một trong hai lý do này. Tất nhiên khi đó cơ quan tố tụng phải xin lỗi, bồi thường oan. Đằng này cơ quan tố tụng lại lập lờ lý do đình chỉ là không thuyết phục, không đúng quy định pháp luật” - luật sư Chánh nói.

Đồng tình, luật sư Nguyễn Duy Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM) bình luận: CQĐT đã tự mâu thuẫn với chính mình khi vừa nhận định “tự ý nửa chừng chấm dứt hành vi phạm tội” vừa nhận định “không đủ yếu tố cấu thành tội phạm”. Bởi tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là đã thực hiện hành vi phạm tội, đã có tội nhưng được miễn trách nhiệm hình sự (và không được bồi thường oan), còn không đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì không có tội và người đó phải được bồi thường oan.

 

“Chưa chứng minh được chứ không oan”

Đó là câu trả lời của điều tra viên Nguyễn Văn Tâm, người đại diện cho Cơ quan CSĐT Công an quận Gò Vấp (TP.HCM) khi làm việc với phóng viên.

Phóng viên: Với lý do đình chỉ như đã nêu, công an có thừa nhận đã làm oan ông Tùng không, thưa ông?

Điều tra viên Nguyễn Văn Tâm: Chúng tôi chưa chứng minh được tội phạm của ông Tùng chứ oan thì không oan. Bắt quả tang khi đang mang theo ba chai rượu giả, khám xét nhà có vỏ chai, hộp chai, dung dịch… là dấu hiệu của việc sản xuất rượu giả. Tùng khai rằng chỉ mua về uống nhưng không chứng minh được mua của ai…

Trách nhiệm chứng minh tội phạm là của công an. Ông Tùng khai ông mua rượu về để uống…, khi bắt quả tang cũng chỉ là đang mang theo mình ba chai rượu chứ không bắt được ông Tùng đang sản xuất?

Đó là khe hở của luật.

Nếu luật chưa ổn thì đấu tranh để sửa, còn hiện tại phải tuân thủ luật. Tòa đã nhiều lần trả hồ sơ yêu cầu làm rõ hành vi của ông Tùng có phải là sản xuất rượu giả không. CQĐT đã bổ sung được gì mà nêu lý do đình chỉ là tự ý nửa chừng chấm dứt hành vi phạm tội?

Chúng tôi không bổ sung được nên mới đình chỉ. Có bút lục ông Tùng thừa nhận “mua chai rượu hiệu Ballantines về để chuẩn bị sản xuất rượu giả” nên chúng tôi áp dụng Điều 19 BLHS.

Như vậy, CQĐT vẫn chưa chứng minh được ông Tùng tự nguyện chấm dứt việc phạm tội khi đã bắt tay vào việc thực hiện ý định phạm tội. Trong khi nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc trách nhiệm của các cơ quan tố tụng…?

Tài liệu của chúng tôi không đủ để chứng minh tội phạm vì hành vi sản xuất rượu giả là hành vi cấu thành vật chất. Tuy nhiên, quá trình trinh sát và khám xét, cộng với đấu tranh, chúng tôi khẳng định ông Tùng có hành vi này.

Nếu không chứng minh được tội phạm thì phải thừa nhận làm oan. Lý do đình chỉ như vậy có phải lý do hàng hai để né bồi thường?

Khi khám xét, chúng tôi đã thu giữ được vỏ chai, nắp chai…, năm chai rượu thì qua giám định đã chứng minh là rượu giả. Chúng tôi chỉ thừa nhận làm oan khi ông Tùng không liên quan. Còn trường hợp ông Tùng chỉ là chúng tôi chưa chứng minh được ông Tùng trực tiếp sản xuất.

 

Họ đã nói: “Tôi không có tội”

Tôi đã gửi khiếu nại đến VKSND quận Gò Vấp, VKSND TP.HCM và VKSND Tối cao quyết định đình chỉ này. Lý do đình chỉ là không sòng phẳng vì tôi không sản xuất rượu giả. CQĐT không chứng minh được tôi có hành vi này thì không thể nại rằng tôi nửa chừng chấm dứt hành vi phạm tội. (Ông BÙI NGUYÊN TÙNG)

 

Không chứng minh được tội phạm thì đừng 'ăn gian'

Cơ quan tố tụng đã không chứng minh được ông Bùi Nguyên Tùng có hành vi phạm tội thì phải đình chỉ, minh oan cho ông, như vậy mới sòng phẳng.

Trên số báo hôm qua, chúng tôi đã phản ánh trường hợp của ông Bùi Nguyên Tùng (ngụ 133/8 đường số 8, phường 11, quận Gò Vấp, TP.HCM) bị cáo buộc có hành vi sản xuất rượu giả. Ông bị tạm giam hơn 14 tháng thì được tại ngoại. Tòa ba lần trả hồ sơ yêu cầu bổ sung chứng cứ để làm rõ hành vi của ông có phải là sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm hay không nhưng cả ba lần VKSND quận Gò Vấp đều không chứng minh được. Đến ngày 28-1 thì CQĐT ra quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Tùng. Lý do đình chỉ là: Sau khi tiến hành điều tra xác định hành vi của bị can Bùi Nguyên Tùng “tự ý nửa chừng chấm dứt hành vi phạm tội”, không đủ yếu tố cấu thành tội sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm. Cơ sở pháp lý là Điều 19 BLHS, Điều 34 và Điều 164 BLTTHS.

 

Dưới đây là ý kiến của các chuyên gia về nghi án oan này:

Phải minh oan cho ông Tùng!

Có lẽ từ trước tới nay chưa có trường hợp nào cơ quan tiến hành tố tụng “né” bồi thường oan như trường hợp ông Bùi Nguyên Tùng ở quận Gò Vấp, TP.HCM. Phương ngôn có câu “vụng chèo, khéo chống” nhưng xem ra cách “né” bồi thường oan của Công an quận Gò Vấp vừa “vụng chèo” vừa “vụng chống”, vô lý đến buồn cười.

Ở đây không còn là vấn đề quan điểm hay ý kiến khác nhau nữa mà dư luận thấy bức xúc khi CQĐT không chứng minh được tội phạm lại bảo rằng “tự ý nửa chừng chấm dứt”.

Về lý luận cũng như thực tiễn áp dụng, tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội chỉ xảy ra trong trường hợp tội phạm được thực hiện ở giai đoạn chưa hoàn thành và chuẩn bị phạm tội. Còn ở những giai đoạn khác không thể có tự nguyện nửa chừng chấm dứt việc phạm tội mà chỉ có thể tự ý chấm dứt tội phạm.

Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội chỉ được miễn trách nhiệm hình sự chứ không phải là không có sự việc phạm tội. Miễn tức là có trách nhiệm hình sự nhưng được Nhà nước miễn.

Về ý nghĩa xã hội, miễn trách nhiệm hình sự cũng giống như loại trừ trách nhiệm hình sự (không còn trách nhiệm hình sự). Nhưng về mặt pháp lý họ vẫn có thể bị xử lý bằng biện pháp khác. Do đó, miễn trách nhiệm hình sự trong trường hợp này thực chất là miễn truy cứu trách nhiệm hình sự về tội họ định phạm, còn hành vi của họ trên thực tế cấu thành tội gì thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ấy. Nếu hành vi của họ không cấu thành tội nào được quy định trong BLHS thì họ không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được coi là một trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự. Tức là cơ quan tố tụng phải xác định một người đã thực hiện một hành vi phạm tội nhưng họ đã tự ý không thực hiện nữa mặc dù không có gì ngăn cản họ.

Trong vụ án của ông Bùi Nguyên Tùng, CQĐT đã không chứng minh được hành vi của ông Tùng là hành vi phạm tội và cũng xác định rằng: “Không đủ yếu tố cấu thành tội phạm” nhưng lại nèo thêm nội dung ông Tùng đã tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội?! Một quyết định tự bản thân nó đã chứa đựng mâu thuẫn. Vì vậy, VKSND TP.HCM, VKSND Tối cao cần phải làm rõ trắng đen để minh oan cho ông Tùng. Đừng lập lờ đánh lận con đen làm thiệt thòi cho người bị oan nữa. (Ông ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao)

 

Đình chỉ kiểu nửa dơi nửa chuột

Cáo buộc ông Tùng có hành vi sản xuất rượu giả nhưng lại không thể chứng minh ông đang có hành vi sản xuất. Bắt lúc ông đang chở mấy chai rượu trên đường, vừa mua của ai đó chứ không phải đang có hành vi trực tiếp sản xuất. Hành vi bắt quả tang với chứng cứ thu giữ không ăn nhập gì với nhau. Khám xét nhà thì thu giữ được các vật dụng như nắp chai, vỏ chai, máy đóng nút chai… chứ không có những nguyên vật liệu để sản xuất rượu như không có tem nhãn, không nước màu, không nước pha chế, không dung dịch, không hương liệu…

Như vậy, chỉ dựa vào lời khai trong hồ sơ của ông Tùng là để sản xuất thì không thể chứng minh ông có hành vi sản xuất rượu giả. Nắp chai, vỏ chai, hộp chai thì có thể mua về uống rồi vất lung tung. Giám định ra thành phần hóa học không phải rượu thì đâu thuộc lỗi người mua, bán.

Theo tôi, cơ quan tố tụng đã chứng minh được ông có tội đâu mà nại lý do tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội? Lời khai của bị can, bị cáo phải được đối chiếu với các tài liệu, chứng cứ khác. Chứng cứ chứng minh nửa chừng phạm tội là không có. Theo nguyên tắc suy đoán vô tội, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tố tụng. Mọi nghi ngờ trong quá trình chứng minh tội phạm đều phải được kiểm tra, chứng minh làm rõ. Nếu không chứng minh làm rõ được thì giải thích theo hướng có lợi cho họ.

Trong khi đó, với những chứng cứ thu giữ không chứng minh được ông Tùng có hành vi sản xuất rượu. Lời khai nhân chứng thì VKS và CQĐT không thể bổ sung theo yêu cầu của tòa. Còn ông Tùng thì liên tục kêu oan và khiếu nại kết luận điều tra và cáo trạng. Lẽ ra trường hợp này phải đình chỉ và minh định ông Tùng không có hành vi phạm tội. Như vậy mới thuyết phục chứ không thể đình chỉ kiểu nửa dơi nửa chuột như thế. (Ông PHẠM CÔNG HÙNG, nguyên thẩm phán TAND Tối cao)

 

“Cơ quan công an có sai sót, nhưng…”

Chiều 23-2, Pháp Luật TP.HCM đã phỏng vấn bà Nguyễn Thị Thơm, Viện trưởng VKSND quận Gò Vấp, xung quanh vụ công an quận này đình chỉ bị can đối với ông Bùi Nguyên Tùng.

Phóng viên: Quan điểm của VKSND quận Gò Vấp như thế nào đối với quyết định đình chỉ của CQĐT cùng cấp, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Thơm: CQĐT có căn cứ để đình chỉ theo Điều 19 BLHS. Đó là khi khám xét tại nhà ông Tùng đã thu giữ được các vật dụng như nắp chai, vỏ chai, máy đóng nút chai… là công cụ, phương tiện ông Tùng dùng sản xuất rượu giả. Lời khai nhân chứng cho rằng ông Tùng có sản xuất rượu. Lời khai trong hồ sơ của ông Tùng thừa nhận mua chai rượu hiệu Ballantines về để chuẩn bị sản xuất rượu giả. Ông Tùng cũng đã có tiền án về hành vi sản xuất rượu giả. Còn lý do đình chỉ ghi không đủ yếu tố cấu thành tội phạm là không đúng, VKS đang kiểm sát quyết định đình chỉ của CQĐT và sẽ yêu cầu khắc phục.

Những chứng cứ thu giữ chưa chứng minh được ông Tùng có hành vi phạm tội. Theo luật, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tố tụng. Nếu không chứng minh được thì phải minh định ông Tùng không phạm tội?

Suy đoán vô tội nên CQĐT mới đình chỉ theo Điều 19 BLHS. Ông Tùng đã chuẩn bị đầy đủ công cụ, phương tiện. Lời khai người biết sự việc ban đầu và lời khai trong hồ sơ của ông Tùng cũng thừa nhận… Do ông Tùng ngưng việc sản xuất nên CQĐT áp dụng Điều 19 BLHS để đình chỉ điều tra.

Bà nghĩ sao khi chỉ cần treo trên xe ba chai rượu ngoại không mang theo hóa đơn, chứng từ là có thể bị lập biên bản phạm tội quả tang? Như vậy xem ra bất cứ ai cũng có thể bị coi là phạm tội…

Vấn đề này thì tôi thừa nhận cơ quan công an có sai sót, lẽ ra chỉ lập biên bản vụ việc. Tuy nhiên, quá trình điều tra, qua khám xét thu được công cụ, phương tiện sản xuất rượu giả tại nhà ông Tùng nên CQĐT đã xem xét làm rõ cả hai hành vi.

(Theo PLO.VN)

 

Tags

Hãy share để mọi người cùng biết:

Công an lập lờ để né bồi thường oan Công an lập lờ để né bồi thường oan

Công an lập lờ để né bồi thường oan

10/ 10 - 3320 phiếu bầu

Back      Print In      Đã xem : 1819
Hình ảnh thật trụ sở

       

Hỗ trợ nhanh

Ms. Thủy

0916 129 130

Đường Đến Đông Dương

© Copyright by  www.dongduong.net, all rights reserved.

Thiết kế website www.webso.vn
Back to top
Sản phẩm đã được thêm vào giỏ hàng
Mua thêm sản phẩm khác
Xem giỏ hàng